13.6 C
Dalat
Chủ Nhật, 22 Tháng mười hai, 2024
13.6 C
Dalat

10 thác nước đẹp nhất đại ngàn Tây Nguyên

Vốn đã nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ, những cánh rừng già bạt ngàn thăm thẳm, cao nguyên ruộng bậc thang trải dài tít tắp, Tây Nguyên đại ngàn còn được biết đến là vùng đất của sông suối, thác ghềnh. Ở đây có vô số ghềnh thác được sinh ra nhờ nguồn nước tích tụ từ rừng. Thác ghềnh vùng Tây Nguyên phong phú, đa dạng về cấu tạo và hình thái, xứng đáng mở tuyến du lịch chuyên biệt khám phá các thác nước Tây Nguyên. Hãy cùng khám phá 10 con thác đẹp nhất vùng đất này:

Top 10 thác nước đẹp thơ mộng ở Tây Nguyên

  1. Cụm 3 thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long (Đắk Lắk Đắk Nông)

Cụm 3 thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long nằm trên địa phận giữa Đắk Lắk Đắk Nông, trong đó thác Dray Sap ở xã Nam Đà, huyện Krông Nô, Đắk Nông. Từ trung tâm Buôn Ma Thuột du khách đi khoảng 25km theo đường QL 14 sẽ đến được thác Dray Nur .

Cụm 3 thác này nằm trên con sông Serepok nổi tiếng. Dray Sap được gọi là thác Chồng và Dray Nur là thác Vợ. Cặp thác này có dòng nước chảy khá mạnh và lớn, tạo nên một khung cảnh trắng xóa từ bọt nước vô cùng hùng vĩ và thơ mộng. Bạn sẽ còn được chiêm ngưỡng một cảnh quan kỳ diệu hơn nữa nếu may mắn gặp những ngày có cầu vồng.

Bên cạnh cặp thác Dray Sap và Dray Nur, thác Gia Long cũng là một con thác đẹp của Buôn Mê Thuột. Con thác này còn có tên gọi khác là Dray Sap thượng, liền kề với Dray Sap về phía thượng nguồn.

2. Thác Pongour (Lâm Đồng)

Thác Pongour, còn được gọi là “Nam thiên đệ nhất thác”, nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 50 km, thuộc địa phận huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Thác có chiều cao 40 mét và rộng 100 mét, trải dài qua nhiều tầng đá lớn. Nước đổ xuống từ trên cao qua các tầng đá tạo thành những dòng nước mềm mại như dải lụa, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Bao quanh thác là khu rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Thác Pongour là một điểm đến lý tưởng cho du khách thích khám phá và tận hưởng không gian thiên nhiên.

3. Thác Pa Sỹ (Kon Tum)

Với nhũng danh xưng mỹ miều “nàng tiên của đại ngàn Măng Đen“, “chốn tiên cảnh giữa lòng Măng Đen“, thác Pa Sỹ chắc chắn sẽ khiến du khách phải thốt lên vì vẻ đẹp như một bức tranh thủy mặc của mình.

Thác cách trung tâm thị trấn Măng Đen khoảng 9km, được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen, nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc Rơ Mâm nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ. Mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ với những dải rừng nguyên sinh chạy dài, cùng với khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ và những con suối nhỏ luồn qua những kẽ đá hình thành nên dòng nước mạnh mẽ đổ xuống, càng khiến cho thác Pa Sỹ đẹp tựa như dải lụa mềm trắng xóa, tinh khôi, trữ tình, thơ mộng. Khung cảnh này đã điểm tô cho vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) giữa đại ngàn Măng Đen huyền thoại.

thác pa sỹ

4. Thác Liêng Nung (Đắk Nông)

Thác nằm ở bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa chỉ khoảng 09km theo hướng Quốc lộ 28, du khách sẽ được đặt chân đến khu vực thác Liêng Nung. Đây là một thác nước hoang sơ, đang được khai thác du lịch vì vẻ đẹp siêu thực của thác thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng. Với độ cao khoảng 30 mét, thác nước đổ xuống tạo thành một hồ nước xanh mát ở phía dưới, bao quanh bởi những vách đá và cây cối xanh tươi. Cảnh quan nơi đây vô cùng bình yên, thích hợp cho những ai muốn tìm kiếm không gian yên tĩnh, thoát khỏi nhịp sống ồn ào.

Thác Liêng Nung sẽ đẹp nhất vào mùa mưa nhưng đường đi sẽ vô cùng trơn trượt nên du khách cần lưu ý.

Tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Thác Liêng Nung

5. Thác Đambri (Lâm Đồng)

Thác Đambri cách trung tâm thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) khoảng hơn 16 km về hướng Đông Bắc. Đi qua những đồi chè, đồi cà phê và cây ăn trái bạt ngàn, du khách sẽ đến được đây – nơi có tuyệt cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát lành của những khu rừng nguyên sinh đại ngàn.

Thác Đambri thu hút du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ của dòng nước đổ từ trên cao xuống. Những khối nước khổng lồ ngày đêm dội xuống tung bọt trắng xóa tạo nên cảnh tượng vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Xung quanh thác nước là khu rừng nguyên sinh diện tích gần 300 ha đầy kỳ bí. Khu vực này được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái với nhiều hoạt động vui chơi giải trí như đi xe trượt, cầu treo, và thưởng ngoạn không gian xanh mát.

6. Thác Thủy Tiên (Đắk Lắk)

Thác Thủy Tiên thuộc địa phận thôn Giang Tiến, xã Ea Puk, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, là một thác nước nhỏ nhưng có cảnh quan rất đẹp. Thác Thuỷ Tiên tựa như một nàng tiên ẩn mình bên rừng núi, hiền hòa uốn lượn giữa đại ngàn. Thác được chia thành ba tầng, mỗi tầng đều có hồ nước nhỏ bên dưới, tạo nên một không gian yên bình, thơ mộng. Thác Thủy Tiên không quá cao, vẻ đẹp mềm mại, nhẹ nhàng của dòng nước chảy qua các tầng đá khiến nơi đây trở thành một điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách muốn tận hưởng không gian thanh tĩnh.

Nằm ở khu vực hoang sơ, còn ít người biết đến nên thác vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sinh.

7. Thác Phú Cường (Gia Lai)

Thác Phú Cường trong khu vực mỏ đá cùng tên, thuộc địa phận của xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai và cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 45km về phía Đông Nam.

Thác có độ cao khoảng 45 mét, nước đổ xuống từ đỉnh núi đá bazan, tạo thành dòng nước mạnh mẽ. Điểm đặc biệt của thác Phú Cường là vào mùa mưa, dòng nước trở nên vô cùng dữ dội, tạo ra những bọt nước trắng xóa và âm thanh vang dội, mang lại trải nghiệm mạnh mẽ cho du khách.

Thác Phú Cường đứng sừng sững, hiên ngang giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ và sở hữu hệ sinh thái vô cùng ấn tượng với thảm thực vật phong phú cùng những con suối thơ mộng. Dòng thác này hứa hẹn sẽ cho bạn những khoảnh khắc thám hiểm tuyệt vời và giây phút thư giãn giữa thiên nhiên trong lành.

8. Thác Lưu Ly (Đắk Nông)

Thác Lưu Ly thuộc Khu du lịch văn hóa lịch sử Nâm Nung tại xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, cách trung tâm thành phố Gia Nghĩa khoảng 35km, cách Quốc lộ 14 khoảng 10 km.

Đến với Thác Lưu Ly du khách sẽ được hòa mình vào không gian tĩnh lặng của núi rừng Tây nguyên với những tán cây cổ thụ xanh mướt bên dòng thác trắng xóa với độ cao khoảng 25m. Mang dánh hình như mái tóc mượt mà của cô gái buông xõa xuống giữa đại ngàn, dòng thác Lưu Ly bắt nguồn từ dãy núi Nâm Nung, uốn lượn theo những dòng suối tạo nên một bức tranh thủy mặc, dưới chân thác là một hồ nước lớn, trong suốt và một bãi đá rộng để du khách thỏa thích vui đùa trong làn nước mát, cũng như chụp ảnh check-in với view toàn cảnh thác.

9. Thác Trinh Nữ (Đắk Nông)

Thác Trinh Nữ thuộc thôn 4, thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Ghềnh thác có chiều dài 100m và chiều rộng 150m với tuổi thành tạo khoảng 300.000 năm. Không hùng vĩ như những ngọn thác khác ở Tây Nguyên, những ghềnh nước của thác Trinh Nữ được tạo thành từ vô số tảng đá lớn nhỏ muôn hình muôn vẻ dưới lòng sông Krông Nô – một nhánh của “dòng sông chảy ngược” Sêrêpốk. Vào mùa khô, dòng nước trong vắt uốn lượn qua những khe đá, nhẹ nhàng chảy. Vào mùa mưa, dòng nước lớn chảy xiết lướt qua những ghềnh đá, tạo ra những âm thanh trầm bổng như bản hùng ca đại ngàn.

Dòng thác Trinh Nữ mang một nét đẹp độc đáo với quần thể núi đá nhuốm màu thời gian. Những tảng đá với kích thước lớn nhỏ khác nhau, với những hoa văn họa tiết độc đáo được thiên nhiên “điêu khắc” chắc chắn sẽ khiến bạn trầm trồ.

10. Thác Krông Kmar (Đắk Lắk)

Thác Krông Kmar nằm tại thị trấn cùng tên, cách trung tâm huyện lỵ Krông Bông khoảng 3 km và cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột tầm 60 km.

Từ chót vót trên đỉnh Cư Yang Sin hùng vĩ (Đắc Lắc) – nơi được mệnh danh là nóc nhà Tây nguyên, dòng Krông Kmar mượt mà như mái tóc xuân thì của thiếu nữ tuôn đổ xuống chân núi, đánh thức những phiến đá say ngủ giấc ngàn năm để rồi reo vui thành ngọn thác mải miết cuộn trào giữa rừng xanh.

Những ai thích khám phá phong cảnh núi rừng có thể đi bộ theo dòng thác ngược về hướng thượng nguồn và sẽ lên đến nơi bắt đầu của dòng Krông Kmar. Bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi ở trên non cao của dãy Chư Yang Sin lại có một hồ nước rộng xanh trong và sâu hàng chục mét nằm giữa một rừng thông quanh năm vi vu khúc nhạc hòa cùng tiếng hót du dương thánh thót của nhiều loại chim rừng. Khác với phía dưới luôn ào ào thác đổ, ơ đây rất yên vắng, gần gũi với những ai muốn đi tìm cho mình một khung cảnh tĩnh mịch và thi vị giữa thiên nhiên hoang dã.

Tây Nguyên với mệnh danh vùng đất lắm thác nhiều ghềnh, chắc chắn sẽ là địa điểm không thể bỏ qua của dân phượt. Trên đây là bài giới thiệu 10 ngọn thác đẹp nhất vùng Tây Nguyên, hi vọng có thể gợi ý cho bạn những điểm tham quan lý tưởng khi đến với mảnh đất cồng chiêng.

Nhận thông tin mới nhất

Nhận thông tin mới nhất về du lịch Tây Nguyên

Có thể bạn muốn biết

Tin liên quan

Ga Đà Lạt – Những chuyến tàu sót lại…

Ga Đà Lạt, một biểu tượng kiến trúc độc đáo, nằm tại thành phố ngàn hoa Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Việt Nam. Được...

Top 10 nhà hàng – quán ăn ngon nhất Buôn Ma Thuột

Ẩm thực Buôn Ma Thuột rất đa dạng và phong phú, phản ánh sự kết hợp giữa văn hóa các dân tộc Tây Nguyên...

Lễ hội đua Voi Tây Nguyên: Di sản văn hóa độc đáo

Giới thiệu chung về lễ hội Lễ hội đua Voi ở Tây Nguyên, đặc biệt là tại huyện Buôn Đôn, không chỉ là một sự...