Giới thiệu về Tu viện dòng Franciscaines

Tu viện dòng Franciscaines hay còn được biết đến với tên gọi Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, là một công trình kiến trúc độc đáo tọa lạc trên đường Hùng Vương, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Với lịch sử lâu đời và vẻ đẹp mang đậm phong cách châu Âu, tu viện không chỉ là một di sản văn hóa mà còn là điểm đến thu hút du khách yêu thích sự hoài cổ và bí ẩn.

Tu viện dòng Franciscaines là một trong những công trình hiếm hoi tại Đà Lạt kết hợp hài hòa hai phong cách kiến trúc từ hai giai đoạn lịch sử: Gothic cổ kính (trước 1945) và hiện đại (1955-1975).

Các chi tiết như tháp chuông, cửa sổ kính rộng, và mái vòm nhọn mang đậm hơi thở châu Âu thời trung cổ, trong khi các khối nhà mới lại thể hiện sự chuyển tiếp tinh tế sang phong cách hiện đại.

Lịch sử hình thành và phát triển

Tu viện dòng Franciscaines được xây dựng từ thời Pháp, vào khoảng cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, bởi hai kiến trúc sư Alexandre Léonard và Paul Veysseyre. Ban đầu, công trình là đan viện của các đan sĩ Benedict, đánh dấu sự hiện diện đầu tiên của dòng tu này tại Việt Nam.

Đến năm 1954, khi các đan sĩ Benedict chuyển đến Huế để lập Đan viện Thiên An, tu viện được nhượng lại cho các nữ tu thuộc dòng Franciscaines Missionaries of Mary (FMM), được Việt hóa thành Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ. Năm 1958, các nữ tu chính thức mua lại và sử dụng tu viện.

Với diện tích khoảng 7 ha, tu viện bao gồm nhà nguyện và khu nội viện, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic đặc trưng với các cửa vòm nhọn, chân tường ốp đá xanh, và mái ngói mang nét cổ kính. Ngoài vai trò truyền đạo, các nữ tu tại đây còn tham gia nhiều hoạt động xã hội như khám chữa bệnh, chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng, và dạy học cho trẻ từ mẫu giáo đến lớp 5.

Từ năm 1966, tu viện chuyển hướng chuyên môn hóa giáo dục, trở thành một ngôi trường đào tạo kế toán và thư ký. Đến năm 1969, nơi đây chính thức mang tên Trường Thương mại Việt Nữ.

Để đáp ứng nhu cầu học viên, hai khối nhà mới gồm khu học tập và nội trú được xây dựng theo phong cách hiện đại, do kiến trúc sư Phạm Khánh Chù thiết kế vào năm 1961, bổ sung vào các công trình Gothic ban đầu.

Sự chuyển đổi và giai đoạn trùng tu

Năm 1979, tu viện và ngôi trường đóng cửa khi các nữ tu ngoại quốc trở về nước và các nữ tu Việt Nam chuyển đến các cộng đoàn khác. Toàn bộ khu vực được bàn giao cho nhà nước. Sau đó, các khối nhà lớn được sử dụng làm cơ sở cho Trường Bổ túc Văn hóa, khách sạn Lâm Viên, và sau này là Trường THPT Trần Phú. Nhà nguyện cổ và khu nội viện bị biến thành nhà kho, phòng học thể dục, hoặc chỗ ở tạm bợ.

Từ khoảng năm 2000, khi Trường THPT Trần Phú chuyển sang cơ sở mới, tu viện bị bỏ hoang, để lại dấu ấn thời gian với những ô cửa kính vỡ vụn, hành lang phủ rêu phong, và cỏ dại mọc um tùm.

Lớp bụi thời gian cùng không gian u tịch đã tạo nên một vẻ đẹp ma mị, thu hút nhiều du khách đến ghi lại những hình ảnh cuối cùng trước khi tu viện bước vào giai đoạn trùng tu.

Năm năm 2014, tu viện được chuyển giao cho Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM để quản lý và sử dụng làm Trung tâm đào tạo tại Đà Lạt.

Năm 2021, công trình bắt đầu được tháo dỡ một phần để trùng tu, gây ra nhiều tiếc nuối trong cộng đồng người dân và du khách yêu mến vẻ đẹp hoang sơ của nơi này. Quá trình trùng tu vẫn bảo tồn tối đa các giá trị kiến trúc, nhà nguyện được trung tu thành thư viện và khu vực tổ chức workshop về kiến trúc, mỹ thuật, trong khi khu nội trú sẽ được cải tạo thành nơi ở cho giảng viên.

Tu viện dòng Franciscaines là một minh chứng sống động cho sự giao thoa văn hóa và kiến trúc tại Đà Lạt, mang trong mình cả giá trị lịch sử lẫn cảm hứng nghệ thuật.

Leave a Comment