Tây Nguyên là một vùng đất rộng lớn nằm ở phía Tây Trung Bộ của Việt Nam, bao gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Vùng cao nguyên được thiên nhiên ưu ái với địa hình đa dạng: từ những thung lũng trải dài xanh ngun ngút đến vùng đồi núi trùng điệp hiểm trở hay bạt ngàn rừng già thăm thẳm, những cánh đồng cà phê nở hoa trắng xóa, bao dòng sông êm đềm trôi chảy… Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên hoang sơ và kỳ vĩ đủ làm say lòng người quá bước. Một chuyến du lịch tại Tây Nguyên chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những trải nghiệm và khám phá đầy sắc màu độc đáo. Hãy cùng khám phá top 10 đích đến lý tưởng ở mảnh đất này:
Tây Nguyên Đại Ngàn – Top 10 điểm đến lý tưởng
1. Hồ Lắk (Đắk Lắk): Được mệnh danh là “nàng thơ của Tây Nguyên Đại Ngàn”, đây là hồ nước tự nhiên lớn nhất Tây Nguyên, nằm ở thị trấn Liên Sơn, thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk và cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 60km.
Giữa núi non hùng vĩ, hồ Lắk mang đến không gian thanh bình, đầy tính nghệ thuật. Xung quanh hồ là cánh rừng nguyên sinh rộng lớn bao phủ với thảm động thực vật đa dạng, vì vậy ở đây bầu không khí vô cùng trong lành. Hình bóng núi rừng phản chiếu xuống mặt hồ phẳng lặng, xen lẫn với những tia nắng lung linh của mặt trời tạo nên một bức tranh mơ màng, trong trẻo.
Thời gian đẹp nhất để du lịch Hồ Lắk là vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12, khi mùa nước hồ dâng cao, cây cối xanh mướt, thời tiết mát mẻ và dễ chịu. Đây là thời điểm lý tưởng để bạn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ, cũng như khám phá những điểm tham quan trong khu vực như Biệt điện nghỉ mát của Vua Bảo Đại, các buôn làng cổ xung quanh hồ có tuổi đời vài chục năm, mang những nét bản sắc văn hóa độc đáo như nhảy Xoang, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca, dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần…
2. Vườn Quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk): Khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, nổi tiếng với hệ sinh thái rừng khộp đặc trưng. Vườn quốc gia Yok Don có diện tích 115.545ha, là khu rừng đặc dụng có diện tích lớn thứ hai trên toàn quốc. Lâm phận của Vườn và vùng đệm nằm trên địa giới hành chính của 7 xã, 3 huyện và 2 tỉnh gồm tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 38 km.
Đây cũng là Vườn quốc gia duy nhất có mô hình du lịch thân thiện với voi nhà và voi hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng, hàng năm, thu hút được nhiều đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan. Đa dạng sinh học và nhiều loài động, thực vật quý hiếm, Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi có nguồn thức ăn, nước uống cũng như các điều kiện sinh cảnh phù hợp để đàn voi nhà ở Đắk Lắk thích nghi và quay trở lại với điều kiện sống bán hoang dã. Qua đó, tạo cơ hội để chúng được bảo tồn lâu dài, khỏe mạnh và tự do hơn, đồng thời cũng tạo nên một loại hình du lịch trải nghiệm độc đáo, riêng có khi du khách đến với Đắk Lắk.
Cùng với mô hình du lịch thân thiện với voi, du khách khi đến Vườn quốc gia Yok Đôn cũng có thể trải nghiệm các hoạt động khác như: chèo thuyền trên sông Sêrêpôk, câu cá, cắm trại, ngắm và chụp ảnh các loài chim, đi bộ trong rừng, tìm hiểu hệ sinh thái rừng khộp…
3. Thác Dray Nur và Dray Sáp (Đắk Lắk): Dòng sông thơ mộng Sê – rê – Pôk chia làm 2 nhánh lớn tạo thành 2 ngọn thác Dray Nur và Dray Sap. Thác nước nằm ở thôn Buôn Kuốp, huyện Krông Ana, cách trung tâm thành phố tầm 25km, là điểm giao nhau của 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo truyền thuyết thì ngày xưa đôi bờ Sông Serepôk có một đôi nam nữ đem lòng yêu nhau nhưng lại bị gia đình cấm đoán. Bởi quá đau buồn nên hai người đã cùng gieo mình xuống dòng sông đá chảy ngược, nguyện cho trọn đời mãi mãi bên nhau.
Kể từ đó Sông Serepôk cũng được chia thành hai nhánh là Krông Knô (Krông là sông, Knô là đực) và Krông Ana (Ana là cái). Dòng chảy của nhánh sông đực tạo ra thác Dray Sap, còn nhánh sông cái thì tạo ra thác Dray Nur.
Thác Dray Sap: Thác nước này có độ cao khoảng 50m và trải dài khoảng 100m, có thể nói đây là là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất đại ngàn Tây Nguyên. Quanh năm thác vẫn cứ ầm ì tuôn trào bất kể ngày đêm bên những vách đá sừng sững, chúng tạo nên nét hùng vĩ hiếm có. Quanh thác là rừng đặc dụng với giá trị sinh học cao. Bên cạnh cái tên Dray Sap thì mọi người còn biết đến thác như thác vợ.
Thác Dray Nur: Dray Nur nằm ngay cạnh bên thác Dray Sap và chỉ cách nhau một đoạn cầu treo bắc ngang sông Serepôk. Từ xa nhìn lại thác Dray Nur trông như một bức tường nước khổng lồ với hàng ngàn sợi nước tung bọt trắng xóa đan vào nhau thật lung linh, huyền ảo. Từ độ cao hơn 30m chảy xuống, dòng thác nghiêng mình tạo nên một bản hòa ca thơ mộng của tiếng nước va vào đá, đó là những âm thanh trầm bổng và ngọt ngào.
Không chỉ mê hoặc lòng người bởi vẻ đẹp hùng vĩ của mình, hai thác nước đẹp bậc nhất mảnh đất văn hóa Cồng chiêng còn hướng bước chân bạn đến với cuộc sống thuần phác tại các buôn Kuốp, buôn Nui, buôn Tua của đồng bào Êđê sinh sống gần thác. Đến đây, bạn sẽ được xem giã gạo chày đôi, ngắm những chiếc váy thổ cẩm được dệt tinh xảo và những dụng cụ săn bắt độc đáo của người Êđê, cùng uống chút rượu cần, thưởng thức những món ngon của người địa phương. Cũng từ thác Dray Nur, bạn còn có thể dễ dàng vượt sông để đến chiêm ngưỡng thác Dray Sáp và thác Gia Long, những ngọn thác kỳ vĩ và đẹp bậc nhất Tây Nguyên.
4. Biển Hồ T’nưng (Gia Lai): Hồ nước ngọt lớn nằm giữa núi rừng, còn được ví như “đôi mắt Pleiku”, với làn nước trong xanh tuyệt đẹp và không gian yên bình. Biển hồ T’nưng nằm ở xã Biển Hồ, cách trung tâm thành phố Pleiku 6km về hướng Bắc. Biển Hồ gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh.
Lối vào Biển Hồ Pleiku (Biển Hồ T’nưng) còn đi qua một con đường đẹp tựa tranh vẽ. Hai bên đường là những bóng cây cổ thụ rộng lớn, tỏa mát khắp lối đi. Đặc biệt, cuối đường này còn có những bậc cấp bằng đá dẫn vào ngôi nhà lồng cực thơ mộng. Bạn nên đi sáng sớm để có cơ hội chìm đắm trong sương mai hoặc săn đón những khoảnh khắc hoàng hôn lãng mạn vào chiều muộn.
Đạp xe dạo quanh hồ cũng là một điều rất thú vị để khám phá vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên. Hoặc muốn trải nghiệm biển hồ T’Nưng một cách trọn vẹn nhất, hãy ngồi trên con thuyền độc mộc và lướt trên mặt hồ. Thuyền sẽ đưa bạn vào sâu hơn, len lỏi vào trong rừng già để thấy được sự độc đáo, kỳ vĩ của cảnh quan hồ giữa núi.
Nếu du lịch vào mùa khô, di chuyển sẽ dễ dàng hơn và bạn có thể trải nghiệm những mùa hoa tuyệt đẹp của thiên nhiên Tây Nguyên. Còn nếu bạn muốn du lịch Biển Hồ Pleiku từ tháng 4 đến tháng 5 thì sẽ có cơ hội tham gia vào các lễ hội đặc sắc như Lễ mừng lúa mới. Từ tháng 5 đến tháng 10, nên hạn chế du lịch bởi vì mùa này thường có mưa bão thất thường, khó khăn hơn cho hành trình của bạn.
5. Chùa Minh Thành (Gia Lai): Đây là ngôi chùa được đánh giá đẹp nhất tỉnh Gia Lai, nằm cách trung tâm TP Pleiku khoảng 2 km, thuộc phường Hội Phú.
Khác với những ngôi chùa truyền thống Việt Nam, chùa Minh Thành nổi với kiến trúc đặc trưng chịu ảnh hưởng từ các ngôi chùa Nhật Bản và Trung Quốc, chùa mang vẻ đẹp cổ kính, thanh tịnh và thu hút nhiều du khách đến hành hương. Kiến trúc tinh tế, với những tháp cao, tượng Phật lớn, và các chi tiết chạm khắc tinh xảo làm tăng thêm vẻ linh thiêng.
Chùa Minh Thành Gia Lai được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng. Trải qua những biến động của lịch sử, chùa Minh Thành đã trải qua nhiều đợt trùng tu và vẫn tiếp tục mở rộng cửa để đón mọi người vào tham quan.
6. Khu du lịch Măng Đen (Kon Tum): Được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên, Măng Đen nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, rừng thông bạt ngàn và các hồ nước, thác nước tuyệt đẹp. Nằm cách thành phố Kon Tum khoảng 60km về hướng đông bắc, Măng Đen thuộc huyện Kon Plong với độ cao khoảng 1.200m, khí hậu ở đây luôn mát mẻ se lạnh, nhiệt độ không bao giờ quá 20 độ C và lúc nào cũng có sương mù.
Măng Đen nằm giữa hai đèo Violăk và Măng Đen, trên đỉnh Trường Sơn, nơi đây được hưởng khí hậu ôn hòa của đông và tây Trường Sơn nên mát mẻ quanh năm. Tổng diện tích rừng khoảng 140.000ha, dân cư vẫn còn thưa thớt. Cách trung tâm huyện Kon Plong khoảng 1km, du khách có thể ngắm được những thảm thực vật xanh ngát, bạt ngàn thông xen kẽ màu tím của hoa sim phủ kín núi đồi, xa xa có hàng chục hồ, thác nước ngày đêm sủi bọt trắng xóa.
Với nhiều cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, Măng Đen là nơi lý tưởng để du khách thư giãn, tận hưởng sự yên bình của núi rừng.
7. Nhà rông Kon Klor (Kon Tum): Một trong những nhà rông lớn và nổi tiếng nhất của dân tộc Ba Na, tọa lạc tại làng Kon Klor, thành phố Kon Tum. Nhà rông là biểu tượng văn hóa của người Tây Nguyên, nơi diễn ra các lễ hội cộng đồng, họp làng, và các hoạt động văn hóa truyền thống. Kiến trúc nhà rông với mái cao vút, được dựng bằng gỗ, tre, nứa là nét đặc trưng của văn hóa dân tộc thiểu số nơi đây.
Nhà rông này ngoài tên gọi là Kon Klor còn được người dân bản địa gọi với cái tên giản dị là làng gòn rừng. Tên gọi của Nhà rông Kon Klor bắt nguồn từ ngôn ngữ của người Bana. Kon trong tiếng dân tộc ở đây nghĩa là rừng. Còn Klor là nói đến cây gòn rừng với đặc điểm thân cây to, có trái gòn rừng thuôn dài, nở rộ vào độ tháng 3 tuyệt đẹp.
Theo người dân truyền miệng nhau, trước khi được xây dựng với quy mô đồ sộ như hiện nay, Nhà rông Kon Klor đã từng bị đốt cháy, không còn nguyên vẹn. Vào năm 2010, một vài thanh niên trong làng, sau một cuộc thách đố đã châm lửa, thiêu rụi toàn bộ công trình kiến trúc nhà rộng chỉ trong chốc lát.
Nhưng vì đây là nơi sinh hoạt văn hóa và niềm tự hào của người dân trong lành nên họ đã cố gắng phục dựng lại nơi đây. Chỉ trong 1 năm sau đó, toàn bộ công trình Nhà rông Kon Klor đã được hoàn thành và trở về dáng vẻ quen thuộc.
8. Thác Phú Cường (Gia Lai): Nằm cách trung tâm Pleiku khoảng 45 km, thác Phú Cường thuộc địa phận huyện Chư Sê, Gia Lai. Thác nước này cao khoảng 45m, chảy từ trên cao xuống, tạo nên cảnh quan hùng vĩ và mát mẻ. Khu vực xung quanh thác là rừng xanh bạt ngàn, tạo điều kiện cho du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, trong lành. Đây là địa điểm yêu thích của dân phượt.
Thời điểm lý tưởng để tham quan Thác Phú Cường là vào mùa mưa, khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 trong năm. Đây là lúc dòng thác đẹp nhất vì sau những cơn mưa lớn, mực nước dâng cao, chảy xiết và liên tục tạo ra từng vùng bọt tung trắng xoá chắc chắn sẽ khiến bạn choáng ngợp.
Nếu bạn yêu thích sự êm ả, nhẹ nhàng thì khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4 sẽ là một gợi ý tuyệt vời. Lúc này đang là mùa khô nên Thác Phú Cường sẽ hiền hòa, trầm lắng hơn rất nhiều nhưng vẫn ẩn chứa nét uy nghi, kỳ vĩ vốn có.
9. Núi Chư Đăng Ya (Gia Lai): Đây là một ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động, nằm ở huyện Chư Păh, Gia Lai. Núi Chư Đăng Ya nổi bật với vẻ đẹp độc đáo khi mỗi mùa hoa dã quỳ nở, cả vùng núi được phủ vàng bởi hoa dã quỳ. Khung cảnh đặc biệt tại Chư Đăng Ya là thiên đường sống ảo mê hoặc tín đồ xê dịch. Đến đây, mỗi bước chân, mỗi góc nhìn đều là bối cảnh hoàn hảo để bạn tha hồ thả dáng và thu về những bộ ảnh chất lượng.
Hơn nữa, khi ghé thăm Chư Đăng Ya du khách không chỉ ngắm hoa dã quỳ, leo núi mà còn hòa mình vào nhịp điệu cồng chiêng, thưởng thức các món ăn đặc sản, nhâm nhi chén rượu cần cay nồng khó quên.
10. Buôn Đôn (Đắk Lắk): Buôn Đôn là huyện miền núi ở phía tây tỉnh Đắk Lắk, hay quen thuộc hơn chính là tên gọi cũ theo tiếng Lào, Bản Đôn. Huyện Buôn Đôn cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30 km.
Nơi này sở hữu vẻ đẹp núi rừng hoang sơ và vô cùng hùng vĩ. Bên cạnh đó, Buôn Đôn còn là nơi mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Không chỉ thế, đây còn là nơi khởi nguồn của hoạt động săn bắt và thuần dưỡng voi rừng mà hiện nay vẫn được người Tây Nguyên duy trì. Ở đây du khách có thể tham quan cầu treo, cưỡi voi và tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Tây Nguyên không chỉ có thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ mà còn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, chắc chắn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị. Xin gửi đến bạn Danh sách top 10 đích đến lý tưởng ở Tây Nguyên, hi vọng bạn sẽ có một hành trình khám phá thật tuyệt vời tại mảnh đất này!